Được nhận xét là một đề thi Ngữ văn hay và làm tốt những yêu cầu của đặc trưng môn học, Đề thi THPT Quốc gia môn Ngữ Văn năm nay đã trở thành chủ đề được bàn luận nhiều nhất trên mạng xã hội.
Sáng nay (25/6), gần 1 triệu thí sinh trên cả nước đã hoàn thành xong môn thi đầu tiên của kỳ thi THPT Quốc gia 2018. Cuối buổi thi, đề thi và đáp án chính thức đã được công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông. Trong ki nhiều sĩ tử khá hoang mang vì đề thi này nằm ngoài dự đoán, nhiều em bị lệch tủ thì nhiều giáo viên dạy văn lại đánh giá đấy là một đề thi hay, hơn hẳn đề thi năm trước đó.
Với đề thi gồm 3 câu, trong đó có chủ đề về 'Đánh thức tiềm lực đất nước' cũng đã gây nhiều bình luận trái chiều trên mạng xã hội. Nhiều ý kiến phân tích, đánh giá về đề thi Ngữ văn năm nay. Trong đó, có những người cho rằng đề thi này dù khó nhưng thú vị, có sự liên hệ sát với cuộc sống hiện tại để kiểm tra chính xác tư duy học sinh, không nặng về kiểm tra kiến thức sách vở giáo điều.
Đặc biệt, với câu nghị luận 'Đánh thức tiềm lực đất nước', một đề bài nghị luận xã hội không đánh đố, có tính định hướng tốt, vấn đề bao quát, chạm đến lẽ sống muôn đời nhưng vẫn gợi được tính thời đại, thời sự, không bị gò ép. Tuy nhiên, một bộ phận cư dân mạng lại cho rằng đề thi năm nay quá khó với học sinh lớp 12 và 120 phút không đủ để truyền tải được tất cả nội dung một cách trọn vẹn.
Facebook Phạm Gia Hiền nhận xét đề thi ngữ văn năm nay hay và là một bước đột phá về quan điểm giáo dục khi đưa đoạn trích trong bài thơ 'Đánh thức tiềm lực' của nhà thơ Nguyễn Duy – một tác phẩm không có trong sách giáo khoa vào đề thi.
Nguyên văn bài bình luận như sau:
'Một sự ngạc nhiên lớn: đoạn trích bài thơ 'Đánh thức tiềm lực' (trong tập 'Ánh trăng – Cát trắng – Mẹ và em' – nhà thơ Nguyễn Duy, NXB Hội Nhà văn, 2015) được chọn làm đề thi ngữ văn 2018.
Phải nói rằng Bộ Giáo dục đưa đoạn trích này vào đề thi văn là một bước đột phá về quan điểm giáo dục (bài thơ cũng như đoạn trích này không nằm trong sách giáo khoa). Nguyễn Duy nổi tiếng nhất với bộ 3: 'Đánh thức tiềm lực' (1982); 'Nhìn từ xa Tổ quốc' (1988) và 'Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ' (1991). Những bài thơ này, ở thời điểm được tác giả công bố đều gây tiếng vang lớn, với những vấn đề đặt ra, những câu hỏi thẳng, thật, và chua xót.
Nhà thơ Nguyễn Duy từng kể, khoảng đầu thu năm 1982, ông Võ Văn Kiệt – tức Sáu Dân – chuẩn bị thôi Bí thư Thành ủy để ra Hà Nội. Trong một cuộc gặp mặt thân mật với văn nghệ sĩ, Nguyễn Duy đã đọc ông Sáu Dân nghe bài thơ 'Đánh thức tiềm lực', khi đó mới được viết xong, chưa công bố. Nghe xong, tất cả ngồi lặng. Ông Sáu cũng im lặng chốc lát, mới chậm rãi : 'Nặng lắm. Nhưng chịu được. Nếu kể về cái tiêu cực thì tôi kể một tuần lễ không hết. Còn nếu kể về cái tích cực thì tôi kể một tháng cũng không hết. Nhưng vấn đề ở đây không phải là chống tiêu cực hay biểu dương tích cực. Vấn đề ở đây là con người, là văn hóa. Con người có thức dậy thì đất đai mới thức dậy được…'.
Lâu lắm mới đọc được đề thi Văn hay thế này. So với đề 'thấu cảm' năm ngoái, đề năm nay cụ thể hơn, nhưng cũng khó hơn nhiều.
Con trai nhà thơ Nguyễn Duy mới mất cách đây vài tháng. Những cuộc biểu tình trên mạng lẫn ngoài đời liên tục rối ren. Nhà thơ, những "hàn thử biểu của thời cuộc", hẳn nhiên vò võ với u uất của mình, với những điều mà ông đã viết ra từ cách đây gần 4 thập kỷ. Bây giờ một trích đoạn ấy được lấy vào đề thi văn, cũng xin mừng cho ông.
Và có lẽ là mừng cho chúng ta nữa. Cuối cùng đã đến lúc, chúng ta thấy rằng điều cần nói với thế hệ tiếp theo không phải là những lời hoa mỹ, tô hồng và ảo tưởng. Đó phải là sự thật, dẫu đắng cay nhọc nhằn, nhưng đối mặt để mà vươn lên chuyển mình.
Mong là những học sinh sau khi thi xong buổi hôm nay, sẽ về tìm đọc đầy đủ bài thơ 'Đánh thức tiềm lực' của nhà thơ Nguyễn Duy'.
>> XEM THÊM: Gợi ý bài giải môn Ngữ văn kỳ thi THPT Quốc gia 2018