Hãy đọc câu chuyện có thật về những thí sinh đặc biệt trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018 dưới đây và bạn sẽ nhận ra rằng không bao giờ là muộn khi bắt đầu theo đuổi ước mơ.
Nếu như cuộc đời bạn là một đường thẳng, nghĩa là sau 12 năm học sẽ tốt nghiệp THPT rồi vào đại học, tiếp đó ra trường có một công việc tốt thì chúc mừng bạn, bạn là người may mắn. Nhưng thế giới này có đến bảy tỷ người, đâu phải cuộc đời nào cũng được lập trình sẵn một con đường như nhau. Có những người vì lý do cá nhân hoặc hoàn cảnh gia đình mà buộc phải nghỉ học giữa chừng, nhưng quyết tâm của họ thì chưa bao giờ dừng lại.
Người ta bảo còn trẻ thì hãy cố mà học, sau này việc học sẽ trở nên khó khăn hơn nhiều, hoặc vì vướng bận gia đình, hoặc do áp lực tuổi tác. Điều đó đúng một phần, càng có tuổi thì đầu óc càng kém nhanh nhạy, sẽ không thể ghi nhớ, tiếp thu tốt như khi còn trẻ.
Thêm nữa có tuổi rồi thì trăm nghìn mối lo, không thể toàn tâm toàn ý cho việc học. Nhưng đâu có ai quy định tuổi tác, bao nhiêu tuổi thì không được thi, bao nhiêu tuổi thì không nên học. Chỉ cần bản thân vẫn còn nhu cầu học thì tuổi tác cũng không phải là vấn đề quá to tát.
Trong kỳ thi THPT quốc gia 2018, bên cạnh phần lớn những thí sinh độ 18 tuổi, vẫn có những thí sinh lớn tuổi, ở độ tuổi đó, nhiều người đã có con cháu. Có những người mà báo chí đã nhắc đến từ những kỳ thi trước, họ thậm chí đã thi đến lần thứ 2, thứ 3 nhưng vẫn chẳng nản lòng. Có những người đi thi vì muốn tiếp tục học đại học, phục vụ tốt hơn cho công việc chuyên môn. Có những người lại đi thi đơn giản vì muốn làm gương cho con cháu. Dù với lý do gì thì việc học và thi của họ cũng đều vì những mục đích tốt đẹp.
Thí sinh Nguyễn Thị Thanh Vân tại điểm thi THPT Lê Viết Thuận (TP Vinh, Nghệ An) năm nay đã 50 tuổi. Chị Vân hiện đang là y sĩ Khoa Răng hàm mặt, Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An. Chị tham dự kỳ thi này để xét tuyển vào ĐH Y khoa Vinh. Dù gia đình không ủng hộ vì sợ chị vất vả, nếu trúng tuyển cũng phải học mất 6 năm nữa, đến khi ra trường cũng đúng lúc nghỉ hưu nhưng chị vẫn quyết tâm đi thi.
Chị nói: 'Tôi vẫn muốn đi thi, đó là ước mơ mà tôi muốn thực hiện'. Chị cho biết thời trẻ do bận công tác và chăm sóc gia đình nên không thực hiện được ước mơ. Nay các con đã khôn lớn (một người đang là giảng viên đại học tại Hà Nội, một người đang là nghiên cứu sinh tại Anh), chị mới có thể tiếp tục theo đuổi ước mơ của mình.
Tại điểm thi THPT Hồng Lĩnh (TX Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh), có thí sinh Nguyễn Thị Minh (45 tuổi), đến dự thi. Chị Minh từng được đề cử làm Chủ tịch UBND xã nhưng do chưa có bằng cấp nên chị đã nộp đơn xin nghỉ và chuyển sang làm công việc khác. Chị cho biết vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên chị nghỉ học từ lớp 11 và sau đó học bổ túc. Chị muốn học để bổ sung kiến thức và làm gương cho con cháu.
Tại điểm thi trường Tiểu học Kim Đồng (A Lưới, Thừa Thiên Huế), ông Hồ Quang Đông (54 tuổi, xã Hồng Vân) cũng là một sĩ tử lớn tuổi tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2018. Khi được giám thị cũng như nhiều thí sinh khác hỏi vì sao lớn tuổi rồi còn đi học, đi thi, ông Đông đáp: ' Tôi học không phải lấy bằng cấp mà để bổ sung kiến thức. Học để biết pháp luật, để còn tuyên truyền cho người dân biết những điều hay. Mình học vật lý thì biết sử dụng điện năng như thế nào, điện hư thì có thể sửa được. Học lịch sử để biết lịch sử Việt Nam'.
Họ có thể già về tuổi tác nhưng lúc nào cũng tràn đầy nhiệt huyết, ý chí, đó là tinh thần mà không phải ai cũng có được, ngay cả những người trẻ. Tuổi trẻ, chúng ta có một lợi thế cực kỳ lớn, đó chính là thời gian. Chúng ta còn nhiều cơ hội để theo đuổi đam mê, làm những gì mình muốn. Cứ nhìn những người già, sống gần trọn một đời người vẫn tiếc nuối vì có những nguyện vọng chưa làm được, ta sẽ cảm nhận rõ sự hữu hạn của đời người.
Tôi từng đọc một câu chuyện rất ngắn nhưng khiến ai trong số chúng ta cũng phải suy ngẫm:
'Khi 38 tuổi, tôi đắn đo về việc mình có nên học thêm 2 năm chuyên ngành chụp X quang hay không. Tôi nói chuyện này với một đứa bạn thân và gần như đã tự thuyết phục mình nên từ bỏ.
Tôi nói: 'Tao quá già để đi học rồi. Tao sẽ 40 tuổi khi nhận bằng mất.'
Rồi đứa bạn tôi nói một câu rất thấm: 'Nếu không đi học, mày vẫn sẽ 40 tuổi, nhưng lại không có bằng.'
Bây giờ tôi đã gần 60 tuổi, và nhờ chiếc bằng đó tôi đã có một cuộc sống khá giả, chứ không vất vả như xưa.'
Bạn thấy đấy, trong khi chúng ta vẫn đang do dự, chần chừ thì thời gian vẫn cứ trôi đi. Chúng ta sợ rằng sẽ phải mất đến 4 năm cuộc đời để học lại từ đầu một chuyên ngành khác mà mình yêu thích. Nhưng nếu bạn không học, thì 4 năm sau rõ ràng bạn vẫn thêm 4 tuổi mà lại không có bằng. Bạn thử nhìn lại xem đã bao nhiêu năm trôi qua mà bạn vẫn chưa bắt đầu làm một việc mà mình thật sự muốn làm?
Hãy nhìn những người đi trước, hãy coi đó là tấm gương, là động lực để mình theo đuổi ước mơ, không ngừng nghỉ. Và bạn đừng quên rằng, không bao giờ là muộn khi bắt đầu làm một việc gì đó, nhất là việc học hành.
>>> XEM THÊM: Người đàn ông 54 tuổi đi thi THPT quốc gia