Ta ca ngợi tự do, tôn thờ độc lập. Ta đã quên mất rằng mỗi khi ta đau đớn nhất, khổ sở nhất, đâu là nơi luôn dang rộng cánh tay chào đón ta về. Ai mới là người luôn yêu thương ta vô điều kiện, cho ta vô điều kiện mà chẳng tính toán gì.
Ngày bé đi học có bài hát: 'Em ơi em dừng lại nào này đằng kia có mưa. Trông kia xem đường ngập bùn, trượt chân em biết kêu ai. Là la la la la lá la. Ngã khóc em gọi bố ơi'. Chỉ một vài câu hát đơn giản, lặp đi lặp lại, thế là thành một bài hát. Thỉnh thoảng giai điệu bài Đừng đi đằng kia có mưa lại đưa ta về những năm tháng tuổi thơ. Ngày ấy hồn nhiên thật, chẳng sợ gì. Ngã đau thì gọi bố.
Bây giờ lớn rồi, đường xa ướt mưa vẫn phải bước, gió táp vào mặt vẫn phải đi, bão tố xô ngã mình vẫn phải tự đứng dậy. Không thể khóc rồi gọi bố ơi như những ngày còn bé. Nhưng mỗi khi trong lòng không cảm thấy bất an, mỗi khi vấp ngã, đau đớn miệng vẫn lẩm nhẩm gọi gọi bố. Vẫn nhấc điện thoại gọi về nhà để nghe giọng bố mới thấy yên tâm.
Ảnh: Brighside
Gia đình đã từng là mái ấm bình yên bao bọc ta suốt những năm tháng thơ ấu. Rồi một ngày lớn khôn, chúng ta sẽ rời xa mái nhà xưa thân yêu ấy. Kể từ thời điểm bạn rời khỏi gia đình để bước chân vào cánh cổng đại học, thời gian bạn về nhà với bố mẹ chỉ còn tính bằng ngày, không còn tính bằng tháng, bằng năm nữa. Ra trường đi làm, công việc sẽ cuốn bạn vào vòng xoáy bận rộn, ngốn hết thời gian của bạn.
Bao lâu rồi bạn chưa về thăm gia đình?
'Cha chạm vào loang lổ rêu phong, mong các con trở lại', mỗi lần chợt nhớ đến câu nói ấy lại thấy xót lòng. Nếu như ngày còn đi học xa, ta chỉ biết đếm từng ngày để được về nhà thì bây giờ đổi lại, là ánh mắt già nua của bố mẹ mong ngóng bước con về. Gặp lại mẹ sau một thời gian, câu đầu tiên mẹ trách: 'Sao chẳng chịu về thăm bố? Ngày nào bố cũng ra đầu ngõ ngóng rồi thất thểu đi về bảo: 'Vậy là hôm nay nó không về rồi'. Mắt đỏ hoe, chỉ biết lắp bắp mấy câu: 'Con bận quá!'.
Ta có thật là bận rộn đến nỗi không có thời gian về thăm bố mẹ không? Hay là ta cứ mải mê với những thứ khác mà không còn đặt gia đình là sự ưu tiên số một? Ta đã từng coi gia đình là nơi nương náu bình yên nhất, có phải bây giờ ta đã đủ cứng cáp nên không cần một chốn để tựa vào?
Ta ca ngợi tự do, tôn thờ độc lập. Ta đã quên mất rằng mỗi khi ta đau đớn nhất, khổ sở nhất, đâu là nơi luôn dang rộng cánh tay chào đón ta về. Ai mới là người luôn yêu thương ta vô điều kiện, cho ta vô điều kiện mà chẳng tính toán gì.
'Mẹ không sao đâu', 'Bố mẹ tự lo được' là những câu nói dối kinh điển của bố mẹ. Và thế là những đứa con lại tiếp tục vô tâm, không biết hoặc cố tình lờ đi những khó khăn, vất vả của bố mẹ. Một ngày giật mình nhìn lại, hối hận, muốn bù đắp thì bố mẹ đã không còn.
Người xưa có một câu nói rất thấm thía: 'Một mẹ nuôi được mười con nhưng mười con không nuôi nổi một mẹ'. Nước mắt chảy xuôi đã trở thành quy luật muôn đời. Có một câu chuyện ngụ ngôn về hai mẹ con nhà quạ. Quạ mẹ hỏi quạ con: 'Mẹ sinh ra con, ngày ngày kiếm mồi vất vả về nuôi con, sau này mẹ già yếu con có chăm lo cho mẹ không? Quạ con im lặng không nói gì. Quạ mẹ lại giục giã: 'Con có lo cho mẹ được không con?' Bấy giờ quạ con mới rụt rè đáp: 'Con không mẹ ạ. Bởi vì… con phải lo cho con của con nữa'.
Chúng ta sống trên đời là phải khoác lên vai mình bao nhiêu loại trách nhiệm, bạn cứ có thêm cái gì là phải có thêm trách nhiệm với cái đó. Bạn chẳng thể nào báo đáp được một phần những gì bố mẹ đã làm cho bạn. Bạn lại càng không còn nhiều cơ hội để thực hiện điều đó khi bạn đã làm cha mẹ và có những đứa con của mình.
Thế nên, khi còn có thể, hãy làm điều gì đó cho cha mẹ. Một việc đơn giản nhất là dành thời gian để về thăm bố mẹ liệu chúng ta có thể làm được không?
>>> XEM THÊM: Nhà trường 'giấu' việc mẹ mất do tai nạn ngay trước điểm thi để thí sinh yên tâm làm bài