Mấy ai tin được giữa thời buổi công nghệ số hiện đại lại có người chọn cách ở trên rừng ăn, ngủ mỗi tháng 20 ngày. Cả năm chả thấy mặt mũi đâu, bạn bè, hàng xóm gọi vui là "người rừng" thế kỷ XXI.
Với nhiều người, không gian rừng già hiểm trở, tiếng chim muông gào thét về đêm, hay tiếng nước chạy cuồn cuộn từ các ngọn thác là nỗi ám ảnh kinh hoàng thì với chàng trai Nguyễn Trung Úy (27 tuổi, quê Hà Tĩnh) lại là những âm thanh quen thuộc, gắn liền với cuộc sống mưu sinh hàng ngày.
3 năm qua, Úy dành phần lớn thời gian của mình để trải nghiệm cuộc sống nơi rừng già, tìm kiếm các sản vật quê hương quý giá như: nấm linh chi, nhung hươu, mật ong rừng,… Và không ít lần, chàng trai này phải đối mặt với tiếng gọi của tử thần nơi rừng sâu heo hút, không một bóng người.
Một lần lên rừng lấy mất ong rừng đánh đổi cả tính mạng của Trung Úy
Thanh niên 'nghiện' lên rừng
Úy nói, bố mẹ và các chị em trong dòng họ đều dựa vào các sản phẩm núi rừng ban tặng để mưu sinh nhiều năm qua. Lớp 5, Úy đã cùng bộ mẹ lên rừng bẻ măng, hái nấm và các loại thảo dược. Học một buổi, lên rừng một buổi, Úy được 'trả công' 50 ngàn mỗi ngày.
Đến năm lớp 9, Úy đã có thể băng đèo, lội suối để đi rừng một mình. Úy không nhớ rõ mình có thể đi được bao xa, tuy nhiên, với những kinh nghiệm lên rừng cùng bố mẹ từ bé, Úy ít khi bị lạc. Nếu có, thì đó là những lần đến khu rừng mới và phải đi rất sâu. Tuy nhiên, vì có thể xác định phương hướng nên anh chàng chỉ mất vài tiếng để tìm được lối ra, không đến nỗi phải qua đêm.
Vào Sài Gòn học đại học, cứ đến hè Úy lại 'mò' về quê để lên rừng. Không phải gia đình ép buộc, càng không vì mưu sinh, chỉ đơn giản là thích nghe những âm thanh hoang dại nơi núi rừng, thích đạp lên những ngọn cỏ để khám phá và tìm kiếm những sản vật quý hiếm của quê hương. Úy gọi đó là 'nghiện'.
Tốt nghiệp Đại học, Úy tìm được công việc đúng chuyên ngành, lương mỗi tháng 7 triệu. Làm được 3 năm, máu kinh doanh nổi lên, cộng với việc người thân gợi ý mang sản vật quê hương đến với nhiều người, Úy quyết định về quê khởi nghiệp, mặc sự can ngăn, tiếc nuối của rất nhiều người.
'Ai cũng nói mình đang có một công việc tốt, nhiều người mơ ước, sao lại bỏ? Mình áp lực lắm. Mất khoảng 3 tháng kể từ lúc có ý định về quê, mình thu xếp chu đáo mọi thứ rồi mới nghỉ hẳn' – Úy kể.
Một tháng 20 ngày trên rừng, ăn ngủ như 'người rừng'
Năm 2015, Úy rời Sài Gòn nhộn nhịp để về quê thực hiện ý tưởng kinh doanh đặc sản quê hương. Anh chưa vội lên rừng mà xây dựng các kênh online và mạng xã hội. Nhiều người biết đến mật ong rừng, nấm linh chi,… nhưng không phải ai cũng biết được quá trình tìm kiếm những sản vật này phải đánh đổi nhiều như thế nào. Với suy nghĩ đó, Úy cùng một nhóm người kết hợp việc lên rừng và quay lại các đoạn video chân thực nhất về cuộc sống, sự vất vả cùng những trải nghiệm sống còn nơi rừng già.
Hành trang cho mỗi chuyến lên rừng là đồ ăn, thức uống, xoong, lều bạt, bật lửa và một số loại thuốc chữa các bệnh thường gặp như: bị côn trùng cắn, sốt, nhiễm lạnh,… Mỗi lần đi sẽ có thêm 3-4 người đồng hành. Các clip được quay khá chi tiết, bắt đầu từ lúc đặt chân vào rừng cho đến lúc kết thúc hành trình.
'Kênh YouTube của mình được thành lập vào tháng 3-2015, nhưng mình bắt đầu tập trung làm nhiều vào năm 2016, từ đó đến nay mình đã thực hiện gần 100 video, và đã có những video đạt hàng trăm ngàn đến 1 triệu lượt xem' – Úy chia sẻ.
Ban ngày di chuyển, ban đêm dựng lều bạt ngủ tạm. Cứ như thế, mỗi chuyến đi của Úy kéo dài từ 5 đến 7 ngày. Khi qua đêm trong rừng già, nỗi sợ hãi lớn nhất của Úy là rắn. Úy nói trong rừng có rất nhiều loại rắn độc, mỗi khi đi ngủ, anh chàng phải giữ khư khư con dao sắc bén trong tay cho đỡ sợ. Dù vậy, Úy cùng nhiều thanh niên trong đoàn cũng nơm nớp ngủ không ngon được.
Để kiếm được những sản vật quý hiếm càng phải vào sâu trong rừng già. Càng vào sâu lại phải đối mặt với những nguy hiểm về thời tiết và sự rình rập của các con thú rừng. Chưa kể các tai nạn có thể xảy ra bất ngờ như té nước, trượt chân, té cây,…
'Thời gian mình ở nhà rất ít, trung bình mỗi tháng, mình ở rừng 20 ngày, ăn uống, ngủ nghỉ như… người rừng. Bạn bè, hàng xóm cứ hay đùa rằng: người không thích chơi lại thích lên rừng chơi với khỉ' – Úy vừa nói, vừa cười tếu táo.
Suýt chết vì nước cuốn, bị ong rừng đốt nhập viện
Cuối năm 2015, trong một lần đi rừng cùng 4 anh em khác, Úy vượt qua dòng nước xiết, trên tay vẫn cầm máy quay phim. Chú tâm vào máy quay mà không nhìn phía trước, Úy hụt chân, té nhào xuống dòng nước chảy xiết.
'Mình biết bơi, cũng có kỹ năng sông suối nhưng do dòng nước chảy quá mạnh, lại có nhiều vũng xoáy nên mình không thể nào bơi vào bờ được. Mình cứ thế bị dòng nước nhấn chìm, lâu lâu mới ngoi lên được nhưng cũng không thể làm gì.
Mình bị uống rất nhiều nước, có những lúc bị nghẹt thở vì bị nhấn chìm quá lâu, mọi người chạy dọc theo con suối nhưng cũng chỉ nhìn theo trong vô vọng, lúc đó mình nghĩ chỉ có Chúa mới cứu được mình mà thôi. Khi bị trôi hết dòng chảy xiết, dù mệt nhưng mình vẫn gắng bơi được vào bờ, nằm nghỉ một lúc lâu mình mới bình tâm trở lại' – Úy kể, khuôn mặt không giấu được sự sợ hãi khi nhớ lại giây phút đó.
Sau lần bị đuối nước đó, Úy có thêm nhiều kinh nghiệm hơn, chuyện vượt sông suối không còn là trở ngại nữa. Nhưng lại phải đối mặt với nguy hiểm khác, đó là lúc đi khai thác mật ong rừng. Ong rừng ở rừng già Hà Tĩnh là loài ong khoái, loài ong thường chỉ làm tổ trên ngọn cây cổ thụ, cao trên 25m. Úy kể: 'Đã nhiều lần mình leo lên ngọn cây để lấy mật, để quay phim, những lúc như vậy thật sự phải đối mặt với tử thần. Vừa trèo cao chót vót vừa bị gió thổi mạnh, đã thế lại bị ong đốt, nếu không cẩn thận thì rất dễ bị rơi. Mình đã nhiều lần bị ong đốt tới phát sốt, phải đi viện cấp cứu'.
Tháng 6/2016, Úy cùng 3 anh khác lên rừng khai thác mật ong, tổ ong đó rất to. Mọi người khuyên Úy nên đứng dưới gốc để quay, nhưng anh chàng này lại muốn có những khoảnh khắc chân thực và hấp dẫn nhất nên mạo hiểm leo lên cây.
'Khi vừa tiếp cận được tổ ong thì cũng là lúc bầy ong bủa vây mình, nó đốt liên tục vào mặt, vào tay khiến mình bị cứng các ngón tay lại. Ông chú kêu mình hãy xuống đi, đừng ở trên cây nữa, mình tụt xuống khỏi cây nhưng bầy ong cũng không tha, nó tiếp tục truy đuổi mình chạy khắp rừng, mình hụp mặt xuống khe suối nhưng nó vẫn bay ở trên đầu, cứ nổi đầu lên là nó đốt.
Thấy tình hình ẩn nấp dưới nước không ổn, mình liền kêu một người anh em đi cùng, nhóm đống lửa để mình lại đó, chỉ khi lại đứng cạnh đống lửa thì bầy ong mới chịu tha cho mình. Nhưng lúc này mình cũng đã bị đốt rất nhiều rồi, mặt bắt đầu sưng vù, tay bị cứng lại, trong người bắt đầu có dấu hiệu sốt. Lúc này mình bảo anh em phải về thôi, chứ không thể tiếp tục đi tìm ong nữa, về đến nhà là mình đi thẳng xuống bệnh viện cấp cứu luôn. Vết thương mất khoảng vài tuần mới lành hẳn' – Úy kể.
Khi được hỏi vì sao phải đánh đổi cả tính mạng như vậy để vào rừng, Úy giải thích một phần do 'nghiện', mê khám phá và quảng bá các nét đẹp quê hương, phần khác vì mưu sinh. Các sản vật khai thác được, Úy không rao bán công khai, rầm rộ mà thông qua các clip được chia sẻ, người mua tự tìm đến. Úy gọi đó là 'mua bán bằng niềm tin'. Những sản phẩm của Úy thường được bán theo mùa, không gom hàng hoá bên ngoài, chỉ bán sản phẩm do gia đình và người thân làm ra nên không có hàng dự trữ. Trong số này, nấm linh chi là khó tìm nhất, hàng về đợt nào hết đợt đó. Về thu nhập, chàng trai này không tiết lộ.
Dù gặp phải không ít nguy hiểm, có khi phải đánh đổi bằng mạng sống nhưng khi hỏi đến việc một ngày nào đó không lên rừng nữa thì sao? Dứt lời, Úy trả lời luôn rằng: 'Bây giờ và sau này cũng thế, mình sẽ luôn đi vào rừng cùng anh em, tới khi nào đôi chân mỏi mệt không đi được nữa thì thôi. Đó không chỉ là 'nghiện' đi rừng, mà mình muốn trực tiếp ghi lại những thước phim cho mọi người xem, muốn trực tiếp tìm kiếm những sản phẩm quý nơi núi rừng quê hương'.
Ảnh, clip: NVCC