Tình trạng ly hôn hiện nay đang là vấn đề nóng được các cấp bộ ngành cũng như cả xã hội quan tâm. Thực trạng ly hôn đang ngày càng tăng mà một trong số những nguyên nhân đó là do có vợ, có chồng đi làm ăn xa hoặc đi xuất khẩu lao động.
Đời sống gia đình ngày càng khó khăn, do cuộc sống mưu sinh đã có nhiều người chọn con đường xuất khẩu lao động ở nước ngoài với mong muốn kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Người ở lại là người chịu thiệt thòi hơn cả vì phải đành lòng xa chồng, xa vợ, chấp nhận ở lại chăm lo công việc gia đình và chăm sóc con cái. Nhưng mấy ai hiểu được, sự vất vả cùng những lo toan mà những người xa gia đình đi mưu sinh nơi đất khách quê người mỗi ngày đang trải qua, nhất là những người phụ nữ.
Có những người phụ nữ đi xuất khẩu lao động, thời gian có khi là 2 năm, 3 năm mới trở về. Bao nhiêu năm xa xứ là bấy nhiêu năm thầm lặng chắt chiu từng đồng tiền công, dù lương không cao nhưng vẫn cố gom được một khoản gửi về cho gia đình. Từng có những người mẹ, người vợ hằng đêm ôm nỗi nhớ chồng, nhớ con, nuốt nước mắt vào sâu thẳm bên trong mong ngày về đoàn tụ. Thế nhưng, số phận trớ trêu thay, lúc mà họ trở về cũng là lúc nhận được tờ đơn xin ly hôn của chồng…Chồng không nhận vợ, con không nhận mẹ, còn nỗi đau nào lớn hơn.
Việc người chồng gửi đơn ly hôn đơn phương lên Tòa khi vợ đang đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài không phải là không có cơ sở. Căn cứ về việc được Tòa án công nhận khi ly hôn được quy định tại Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, theo đó khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.
Pháp luật Việt Nam nói chung hay Luật Hôn nhân và gia đình nói riêng tôn trọng và bảo vệ chế độ hôn nhân gia đình một vợ, một chồng, “vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình” (Khoản 1 Điều 19 Luật Hôn nhân và gia đình 2014). Người chồng ở trong nước nộp đơn ly hôn với vợ vì lý do vợ ngoại tình, nếu người vợ có thật sự ngoại tình thì điều này vi phạm nghĩa vụ vợ chồng, làm cho đời sống hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, mâu thuẫn gia đình tăng cao, hôn nhân không thể kéo dài. Nếu người chồng chứng minh được việc vợ mình ngoại tình ở nước ngoài, cung cấp đủ cho Tòa án những chứng cứ hợp pháp, đơn ly hôn mới được chấp thuận. Tòa án cần có thời gian thẩm tra lại tài liệu chứng cứ mà một bên cung cấp có đủ tính xác thực hay
không.
Ngoại tình là hành vi một người đã có chồng, có vợ kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người chưa có vợ, có chồng. Bản chất của hành vi ngoại tình là sự lén lút, vụng trộm và rất kín đáo. Hậu quả mà nó để lại là điều không ai mong muốn, thế nhưng, để có một giải pháp đúng đắn nhất cho cả hai bên thì việc cung cấp những chứng cứ cho hành vi này là cần thiết , nhằm đảm bảo quyền lợi cho người còn lại và bảo đảm thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Chứng cứ chứng minh hành vi ngoại tình cần đảm bảo tính chân thật và chính xác.
Đối với trường hợp vợ chồng mỗi người một nơi, vợ hiện đang làm việc tại nước ngoài, các chứng cứ có thể là
Thứ nhất, những tin nhắn, đoạn ghi âm, video cho thấy có hành vi ngoại tình. Người vợ nếu có những tin nhắn thân mật trên mức bình thường với một người khác phái, hoặc những hành động cử chỉ thân mật vượt quá giới hạn thực hiện trực tiếp, không qua dàn dựng được ghi âm, ghi hình này cũng là bằng chứng về hành vi ngoại tình.
Thứ hai, với người vợ ngoại tình thì chứng cứ có thể là trong thời gian sinh sống, làm việc tại nước ngoài, có sinh con nhưng khi xét nghiệm AND thì ADN không trùng với ADN của người chồng.
Thứ ba, lời khai nhận của người có hành vi ngoại tình hoặc nhân tình của họ khai nhận về việc hai người đã có quan hệ bất chính, vi phạm quan hệ hôn nhân gia đình.
Như vậy nếu không hề chứng cứ cho thấy người vợ ở nước ngoài có quan hệ bất chính trái pháp luật, đơn xin ly hôn của người chồng có thể bị Tòa án bác bỏ.
Đi kèm với vấn đề ly hôn là việc phân chia tài sản và con chung của hai vợ chồng. Hai bên có thể thỏa thuận với nhau về cách thức phân chia, quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi bên.
Đối với con chung trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con, nếu con từ đủ 7 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con; con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Như vậy, nếu con đã đủ từ 7 tuổi trở lên Tòa án sẽ giao quyền nuôi con cho người nào có điều kiện chăm sóc con hơn, căn cứ vào các yếu tố thu nhập, môi trường sống…Người không nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho đến khi con đủ tuổi thành niên.
Đối với tài sản thuộc sở hữu hợp pháp của hai vợ chồng. Tài sản riêng là tài sản sở hữu đơn nhất, mỗi người có quyền tự định đoạt và sử dụng. Tài sản chung của vợ chồng theo nguyên tắc được chia đôi nhưng tính đến các yếu tố sau theo Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014:
“- Hoàn cảnh của gia đình và của vợ chồng;– Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung– Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập– Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng”
Người chồng đơn phương ly hôn có căn cứ về việc vợ mình ly hôn hay không thì theo quy định của pháp luật, người vợ vẫn được hưởng một nửa số tài sản chung gây dựng trong thời kỳ hôn nhân. Nếu tài sản là bất động sản thì một người đứng tên sở hữu riêng bất động sản và có trách nhiệm thanh toán cho người còn lại phần giá trị chênh lệch tài sản không nhận được bằng hiện vật. Do đó, người chồng có quyền đơn phương ly hôn nhưng không có quyền không cho vợ hưởng tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân.
Xuất khẩu lao động, nỗi khó khăn vất vả không phải của riêng ai, của người ra đi hay của người ở lại. Nơi xứ người mọi thứ đều lạ lẫm, người may mắn sẽ kiếm được nơi làm việc tốt với mức lương xứng đáng, ngược lại để kiếm được miếng cơm mang áo, nhiều người cũng phải chịu đựng, tập trung làm viêc cho tương lai sau này. Bởi thế sự thông cảm, thấu hiểu của gia đình khi đó là động lực to lớn nhất để họ vượt qua. Bất kể một biến cố, cũng sẽ trở thành vết thương không thể nguôi ngoai. Người vợ hay người chồng hãy là bờ vai và là hậu phương vững chắc nhất cho bạn đời của mình, là nơi trở về bình yên nhất sau những chuỗi ngày dài xa quê.
Nguồn: http://dichvulyhon.vn/tin-tuc/ly-hon-don-phuong-6/chong-don-phuong-ly-hon-khi-vo-di-xuat-khau-lao-dong-934