Vi khuẩn HP là gì? Vi khuẩn HP tên tiếng Anh là Helicobacter Pylori hay H. Pylori sống và phát triển trong dạ dày. Do loại vi khuẩn này có thể tiết ra enzyme Urease giúp để trung hòa độ acid trong dạ dày nên chúng có thể sống khỏe mạnh trong môi trường acid.
Vi khuẩn HP sống bám vào lớp nhầy trên niêm mạc dạ dày, gây ra nhiều bệnh liên quan như viêm loét dạ dày, viêm dạ dày mãn tính, ung thư dạ dày. Do vi khuẩn HP xâm nhập vào người một cách âm thầm và triệu chứng cũng không quá rõ ràng. Thời gian phát triển bệnh có thể kéo dài trong rất nhiều năm.
Nhiễm khuẩn HP là nhiễm khuẩn phổ biến nhất, chỉ xếp sau vi khuẩn sâu răng. Có hơn 50% dân số thế giới bị nhiễm khuẩn này.
Vi khuẩn HP có thể dễ dàng xâm nhập vào con người rất âm thầm. Người bị nhiễm cũng rất khó biết là mình đang bị. Nhiễm khuẩn HP không phụ thuộc tuổi tác, vị trí địa lý cũng như chất lượng cuộc sống.
Nhiều người bị nhiễm vi khuẩn HP từ khi còn nhỏ. Phần lớn người bị sẽ chung sống với loại vi khuẩn này đến hết cuộc đời mà không có triệu chứng cụ thể hay mắc phải các bệnh nghiêm trọng nào.
Theo thống kê, tại Việt Nam, 70% nhiễm khuẩn HP trước năm 20 tuổi.
Vi khuẩn HP có thể lây qua những con đường nào?
Vi khuẩn HP dễ dàng lây từ người này sang người kia qua những con đường sau:
– Lây qua đường miệng vì vi khuẩn HP có nhiều trong nước bọt, dịch tiết tiêu hóa, cao răng nên chỉ cần ho, hắt xì, sử dụng chung bát đũa, hôn trực tiếp hay nhai mớm cơm…cũng dễ dàng lây bệnh. Nên trong gia đình, chỉ cần 1 người bị thì nguy cơ những người còn lại sẽ bị là rất cao. Nam nữ yêu nhau cũng dễ bị.
– Qua đường phân vì vi khuẩn HP cũng có nhiều trong phân thông qua quá trình đào thải. Khi đi vệ sinh xong nếu không rửa tay sạch sẽ rất dễ bị lây nhiễm.
– Qua đường dạ dày vì dạ dày là nơi nhiều vi khuẩn HP trú ngụ nên khi bị ợ chua, trào ngược, nôn cũng sẽ khiến loại vi khuẩn HP này bị đẩy ra ngoài theo.
– Ngoài ra còn một số nguyên nhân như thói quen ăn đồ sống, lây qua trung gian như ruồi, muỗi, gián khi không đậy kỹ đồ ăn, sử dụng chung thiết bị y tế như khi đi soi dạ dày, tai mũi hòng, nha khoa…
Triệu chứng nhiễm vi khuẩn HP
Như đã đề cập ở trên, vi khuẩn HP xâm nhập rất lặng lẽ, người bị vẫn có thể sống khỏe mạnh và không có triệu chứng gì rõ ràng. Tuy nhiên, ở một số người, bệnh có thể gây ra các triệu chứng của viêm loét dạ dày, bao gồm: Đau bụng sau khi ăn, buồn nôn, mất cảm giác ngon miệng, ợ nóng thường xuyên, đầy hơi, hôi miệng, giảm cân không chủ ý.
Nếu nhiễm vi khuẩn HP nặng thì triệu chứng có thể là bị đau bụng dữ dội, đi ngoài ra máu, phân đen hoặc nôn ra dung dịch có màu đen như bã cà phê…
Nếu bạn nghi mình đang bị nhiễm vi khuẩn HP, để chắc chắn có thể đến ngay bệnh viện hoặc cơ sở y tế để kiểm tra bằng nội soi dạ dày, làm sinh thiết mô hay nuôi cấy vi khuẩn.
Nếu không muốn làm nội soi dạ dày, bạn có thể sử dụng một trong 3 cách đơn giản test hơi thở, xét nghiệm phân hoặc xét nghiệm máu để tìm vi khuẩn HP.
Cách phòng ngừa nhiễm khuẩn HP
Chủ động trong phòng ngừa nhiễm vi khuẩn HP sẽ giúp bảo vệ được sức khỏe cho bản thân cũng như cả gia đình.
– Vệ sinh sạch sẽ môi trường sống, nếu có nuôi động vật trong nhà như chó, mèo…thì nên đảm bảo vệ sinh vật nuôi cẩn thận.
– Không nên dùng chung các dụng cụ ăn uống như bát, đũa…không chấm chung bát nước chấm, không gắp thức ăn cho nhau, không mớm thức ăn, không dùng đũa riêng để khuấy đảo thức ăn chung…
– Tránh không ăn các quán ngoài đường, ngoài vỉa hè, gần cống rãnh, chỉ chọn ăn tại các quán hợp vệ sinh.
Cách phòng ngừa nhiễm khuẩn HP
– Rửa bát đũa sạch sẽ, tráng nước sôi diệt khuẩn.
– Hạn chế hôn trẻ phòng lây bệnh.
– Diệt muỗi, côn trùng định kỳ để tránh bị lây bệnh gián tiếp.
– Không nên ăn thực phẩm sống, ví dụ như gỏi, rau sống…