Vi khuẩn HP chính là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh dạ dày thậm chí là ung thư dạ dày. Tuy nhiên, để có thể phát hiện bạn có nhiễm vi khuẩn HP hay không thì cần phải làm xét nghiệm vi khuẩn HP . Vậy xét nghiệm vi khuẩn HP bằng những phương pháp nào?
Vi khuẩn HP là gì?
Vi khuẩn Helicobacter pylori (gọi tắt là vi khuẩn HP) là một loại vi khuẩn có khả năng tồn tại rất tốt trong môi trường acid đậm đặc, sinh sống trong cơ thể người chủ yếu ở dạ dày và bám vào niêm mạc dạ dày. Đây là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng loét dạ dày – tá tràng, viêm dạ dày cấp tính, viêm dạ dày mạn tính và là tác nhân gây ra ung thư dạ dày.
Khi nào thì bạn cần đi xét nghiệm vi khuẩn HP?
Bạn nên đi xét nghiệm vi khuẩn HP khi có tiền sử viêm loét
Bạn nên đi tới các cơ sở y tế để xét nghiệm khi có các triệu chứng và những biểu hiện sau:
- Có tiền sử viêm loét mà trước đó chưa làm xét nghiệm vi khuẩn HP.
- Dạ dày xuất hiện các vết loét do viêm loét dạ dày hoặc viêm loét tá tràng gây ra.
- Cảm giác đắng miệng, khó nuốt.
- Da xanh nhợt.
- Thường xuyên xuất hiện triệu chứng nôn, nôn khan, đặc biệt vào buổi sáng sớm.
- Bệnh nhân sử dụng thuốc kháng viêm chống steroid (NSAID) trong một thời gian dài.
- Bệnh nhân có người nhà có tiền sử mắc bệnh ung thư dạ dày.
Các phương pháp xét nghiệm HP dạ dày
Sau đây là các phương pháp xét nghiệm chính hiện nay thường được sử dụng:
Phương pháp nội soi dạ dày
Nội soi dạ dày là phương pháp xét nghiệm an toàn và đạt hiệu quả cao, vừa giúp chẩn đoán chính xác được tình trạng nhiễm khuẩn HP trong dạ dày, vừa đánh giá được mức độ và vị trí tổn thương, đồng thời đưa ra các chẩn đoán về tình trạng của bệnh, nhờ đó có thể đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhất.
Với phương pháp này, bác sĩ sẽ dùng một ống nội soi nhỏ có gắn nguồn sáng và camera đưa vào cơ thể qua đường miệng hoặc đường mũi. Sau đó, bác sĩ sẽ dùng kim sinh thiết lấy mảnh sinh thiết quanh vị trí có tổn thương dạ dày rồi cho bệnh phẩm vào một ống nghiệm nhỏ và ngâm mảnh sinh thiết trong một hỗn hợp dung dịch và đoc kết quả sau 5-10 phút. Nếu dung dịch đổi sang màu hồng là tồn tại vi khuẩn HP trong dạ dày (test vi khuẩn HP dạ dày dương tính).
Chú ý: Không sử dụng phương pháp nội soi dạ dày trong trường hợp người bệnh bị rối loạn đông máu, cầm máu.
Phương pháp Test thở tìm vi khuẩn HP
Đây là phương pháp cho kết quả chính xác và được khuyến khích sử dụng được trên nhiều đối tượng kể cả trẻ em do thời gian test nhanh, không can thiệp hay xâm lấn gì, rất hữu ích đối với những người đã điều trị vi khuẩn HP và cần đánh giá lại hiệu quả tiệt trừ HP.
Để thực hiện phương pháp này, bệnh nhân sẽ được cho uống 1 viên thuốc có chứa ure gắn đồng vị phóng xạ 13C hoặc 14C. Sau 20 phút, người bệnh sẽ được đưa một thiết bị và thở vào đó. Hiện nay có 2 dạng, test thở sử dụng bóng (bạn thổi vào thiết bị giống quả bóng) và test thở sử dụng thẻ (bạn thổi vào thiết bị giống 1 chiếc thẻ ATM). Sau đó, các mẫu hơi thở ra được thu thập lại và tiến hành đo để xác định sự có mặt của vi khuẩn HP hay không. Nếu đồng vị carbon được phát hiện trong hơi thở, kết luận tồn tại vi khuẩn HP trong dạ dày (kết quả dương tính). Nếu không tìm thấy đồng vị carbon, kết luận không có sự xuất hiện của vi khuẩn HP (kết quả âm tính).
Phương pháp xét nghiệm phân
Vi khuẩn HP thường lây nhiễm qua đường phân. Do đó, xét nghiệm phân là phương pháp tối ưu trong việc phát hiện vi khuẩn HP. Tuy phương pháp này dễ dàng thực hiện đối với bệnh nhân, kết quả chính xác, chi phí hợp lý nhưng không cho kết quả nhanh chóng. Vì vậy, phương pháp này không thích hợp đối với những bệnh nhân có diễn biến bệnh nặng.
Dựa vào phương pháp xét nghiệm phân bằng phản ứng miễn dịch huỳnh quang, bác sĩ có thể phát hiện sự có mặt của vi khuẩn HP bằng cách quan sát sự thay đổi của màu phân. Nếu phân có màu xanh chứng tỏ tồn tại vi khuẩn HP trong dạ dày và ngược lại, nếu phân không có màu xanh chứng tỏ không có mặt vi khuẩn HP trong dạ dày.
Chú ý: 2 tuần trước khi làm xét nghiệm, bệnh nhân không được dùng một số loại thuốc như kháng sinh, thuốc trung hòa acid dạ dày, bismuth, thuốc bao vết loét dạ dày,…
Phương pháp xét nghiệm máu
Phương pháp này giúp phát hiện vi khuẩn HP một cách nhanh chóng và tương đối dễ dàng. Tuy nhiên, đây không phải loại xét nghiệm được ưu tiên thực hiện bởi vì vi khuẩn HP có thể tồn tại ở một số khu vực khác như khoang miệng, xoang, đường ruột mà không gây bệnh. Ngoài ra, vi khuẩn HP có thể bị tiêu diệt hết nhưng kháng thể trong máu vẫn có thể còn hoạt động sau đó một thời gian nên phương pháp xét nghiệm máu tìm vi khuẩn không đạt độ chính xác cao.