Những ngày gần đây, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) tiếp nhận một số trường hợp trẻ bị phỏng điện nhập viện. Số ca gia tăng vào thời điểm trẻ nghỉ học ở nhà nhiều.
Theo chia sẻ của bác sĩ Lê Hữu Phước, Khoa Phỏng – Tạo hình, phỏng điện là tổn thương da và mô dưới da gây ra dưới tác dụng của dòng điện khi đi qua cơ thể. Đối với điện dân dụng, tổn thương chủ yếu gây ra do 2 cơ chế chính: Tổn thương mô cơ thể trực tiếp gây ra do dòng điện và tổn thương gián tiếp do nhiệt lượng sinh ra từ dòng điện.
Đường đi của dòng điện trước hết là mạch máu, dây thần kinh và cơ, sau đó mới đến da, gân, mỡ, xương. Khi cơ thể tiếp xúc với nguồn điện, nó sẽ trở thành một phần của mạch điện, dòng điện có một điểm vào và một điểm ra ở hai chỗ khác nhau trên cơ thể. Khó có thể chẩn đoán chính xác phỏng điện vì chỉ nhìn thấy vết thương ở đường vào và đường ra, còn vết thương bên trong thì không.
Nhìn bên ngoài, phỏng điện có vẻ ít hơn phỏng do nguyên nhân khác, nhưng vì tổn thương sâu bên trong nên nguy cơ biến chứng cao hơn nhiều, mổ nhiều lần, nằm viện dài ngày và di chứng thương tật để lại cũng nặng nề hơn. Một số ca có hậu quả rất thương tâm: có bé phải cắt cụt một phần các ngón bàn tay cầm viết do vết phỏng quá nặng; có bé chưa được 1 tuổi, còn chưa biết sử dụng tay để cầm nắm, nay đã phải làm mỏm cụt ngón tay; có bé gái bị phỏng lộ gân xương cả 2 bàn tay, tiên lượng rất xấu…
Phỏng điện dân dụng là tai nạn nguy hiểm, để lại những di chứng nặng nề, tuy nhiên nó hoàn toàn có thể phòng ngừa được. Một số biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả có thể áp dụng tại nhà như:
– Che chắn tốt những ổ cắm điện trong tầm tay trẻ, tại các vị trí trẻ chơi.
– Giữ các phích cắm, vật dụng sử dụng điện ra xa tầm tay trẻ.
– Thường xuyên kiểm tra các thiết bị điện tại nhà tìm nguy cơ và phòng tránh.
– Đối với trẻ lớn, cần giáo dục trẻ tính nguy hiểm của dòng điện và cách sử dụng các thiết bị điện đúng cách: không đùa nghịch với các thiết bị điện; không sử dụng thiết bị điện trong phòng tắm.
Suckhoe248 | Chuyên trang đưa các tin tức cộng đồng !